Tùy chọn này sẽ đưa trang chủ về bố cục mặc định.

Reset

Cà Mau tổng kết Tháng An toàn giao thông

Đã đăng vào 31 Th10, 2009 lúc 0:00

     Năm nay, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã chỉ đạo chủ đề trọng tâm của Tháng An toàn giao thông là “Tháng văn hóa giao thông”, lần đầu tiên xây dựng và công bố nội dung cơ bản của Văn hóa giao thông. Trong đó đã nêu rõ định nghĩa, tiêu chí và một số hành vi thể hiện Văn hoá giao thông.

 

     Hướng dẫn của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã định nghĩa “Văn hóa giao thông” được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông.

     Cùng với rất nhiều hành vi Văn hoá giao thông đã được “luật hóa” trong các quy tắc giao thông như: nhường đường, xin vượt, cứu người bị nạn, nhường chỗ cho người già, em nhỏ, phụ nữ có thai… Việc công bố nội dung và chỉ đạo thực hiện nội dung nói trên là một bước tiến quan trọng nhằm xây dựng thói quen và nét đẹp văn hóa giao thông, nhân tố bảo đảm sự bền vững đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

     Trong tháng an toàn giao thông, tình hình trật tự an toàn giao thông có bước chuyển biến đáng kể. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, trong tháng 9, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra một vụ tai nạn giao thông trên đường thủy làm chết 1 người và không có người bị thương. So với cùng kỳ năm trước giảm cả 3 mặt về số vụ, số người chết và bị thương. Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành trong lĩnh vực an toàn giao thông. Đặc biệt, ngành chức năng đã tập trung huy động tối đa lực lượng, phương tiện triển khai quyết liệt các biện pháp phối kết hợp nhằm hạn chế và giảm tai nạn giao thông. Tạo bước chuyển biến mới về nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong chấp hành nghiêm luật giao thông, lấy đó làm cơ sở để từng bước hình thành “văn hóa giao thông” của mỗi người. Thiếu tá Trần Thanh Xuân, Phó Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh Cà Mau cho biết: “Người tham gia giao thông dần dần hình thành ý thức văn hóa giao thông, trong xử sự với nhau khi xảy ra va chạm khi tham gia giao thông, những trường hợp vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông giảm rõ rệt. Người tham gia mua bán trên lòng đường, vỉa hè đã nhận thức được mức độ nguy hiểm đối với người đi đường nên họ đã dần thay đổi hành vi”.

 

     Điều quan trọng của tháng văn hóa giao thông là tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về ý thức chấp hành luật giao thông. Trước hết, bắt đầu từ việc cụ thể, từng người phải thay đổi cách nhìn nhận và điều chỉnh hành vi khi tham gia giao thông. Chẳng hạn như việc không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không cài quai khi ngồi trên môtô, xe gắn máy thì phải nghĩ tới gánh nặng của xã hội, của người thân, gia đình trong trường hợp thương vong. Tuy nhiên, còn một bộ phận người dân vẫn chưa có ý thức trong chấp hành Luật giao thông, lực lượng chức năng đã tuần tra kiểm soát phát hiện gần 4.900 lượt phương tiện vi phạm trên đường bộ. Trong đó, giáo dục nhắc nhở 88 trường hợp và xử phạt trên 4.100 phương tiện với số tiền gần 900 triệu đồng. Thiếu tá Trần Thanh Xuân, Phó Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh Cà Mau nói: “Hướng tới chúng tôi tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý để làm sao tạo sự phòng ngừa từ xa, mục đích là làm dừng làm giảm tai nạn giao thông”.

     Để người dân dần hình thành văn hóa trong giao thông, các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đoàn thể cần tiếp tục đề cao trách nhiệm giáo dục và phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Các trường học, tổ chức Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên cũng như từng gia đình chung tay góp sức, tạo chuyển biến sâu sắc về việc chấp hành Luật Giao thông ở tầm văn hóa. Ông Nguyễn Văn Tạo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau: “Thời gian tới, tiếp tục tuyên truyền vận động rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa nội dung của văn hóa giao thông. Nói tới văn hóa giao thông thì mọi người tham gia giao thông phải hiểu biết luật giao thông và phải chấp hành nghiêm luật giao thông. Có như thế thì mới thẩm thấu dần trong ý thức của người tham gia giao thông để hình thành nếp sống văn hóa giao thông ngày một tốt hơn".

     Xây dựng “Văn hoá giao thông” phải bắt đầu từ việc làm nhỏ nhất, đó là việc mỗi người phải thể hiện trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng khi tham giao thông./.

TH: Minh Trí

Để lại nhận xét