Tùy chọn này sẽ đưa trang chủ về bố cục mặc định.

Reset

Giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông đường thủy

Đã đăng vào 3 Th12, 2009 lúc 0:00

     Trong thời gian qua, các bộ, ban ngành, chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cơ sở tiến hành đồng bộ các biện pháp như: công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, vận động quần chúng tham gia giữ gìn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.

 

     Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện và đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện, xoá bỏ thủ tục không cần thiết, giảm phí và lệ phí cho các chủ phương tiện. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.

     Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Phòng cảnh sát giao thông đường thủy, từ ngày 1 tháng 12 năm 2008 đến ngày 31 tháng 10 năm 2009, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12 người, bị thương 4 người. So với cùng kỳ năm 2008 giảm 7 vụ, số người chết giảm 6 người, bị thương giảm 1 người. Trên biển xảy ra 61 vụ, chìm 33 phương tiện, hư hỏng 7 phương tiện, chết 6 người, mất tích 8 người và bị thương 5 người, thiệt hại tài sản khoảng 230 triệu đồng. Đại úy Trần Văn Thi, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Cà Mau nhận xét: “Tai nạn giao thông đường thuỷ năm 2009 có giảm trên cả 3 mặt. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ và số người chết vẫn còn cao".

     Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trật tự an toàn giao thông luôn diễn biến phực tạp. Đó là: Cà Mau có hệ thống sông ngòi chằng chịt, có 12 tuyến sông Trung ương quản lý dài trên 269 km, 12 tuyến do tỉnh quản lý dài 358 km và hàng ngàn kênh, rạch chưa được quy hoạch đã đưa vào khai thác sử dụng. Bên cạnh đó, do tập quán sinh sống ven sông của người dân đã dẫn đến tình trạng họp chợ, cất nhà, xây dựng công trình, đặt ngư lưới cụ đánh bắt khai thác thủy sản trên các tuyến sông… làm các luồng tuyến bị lấn chiếm nghiêm trọng. Đây là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông rất cao. Luật giao thông đường thủy nội địa đã có điều chỉnh nhưng các ngành chức năng, cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương chưa thường xuyên chủ động trong quản lý về trật tự an toàn giao thông, chưa chỉ đạo xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm.

     Tình hình trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội trên đường thủy nội địa khu vực ven biển và các cửa sông còn diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông tuy giảm nhưng vẫn còn nhiều yếu tố tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông chưa được giải quyết. Địa bàn đường thủy của tỉnh Cà Mau rộng trong khi lực lượng cảnh sát giao thông thì quá mỏng, không đảm bảo công tác tuần tra kiểm soát, khép kín địa bàn.

     Công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện và đào tạo bằng thuyền, máy trưởng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện triển khai rất chậm. Hiện nay, tỉnh có gần 100.000 phương tiện các loại nhưng chỉ mới đăng kiểm hơn 21.000 phương tiện, chiếm tỷ lệ 21,30%. Phương tiện đã được đăng ký cũng gần 21.000 phương tiện, chiếm tỷ lệ 21,10%. Tổng số người phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn là trên 97.000 người nhưng đến nay mới chi cấp được gần 30.800 người, chiếm tỷ lệ 31,74%. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tai nạn giao thông, xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện. Qua tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng, đa phần các chủ phương tiện chưa chấp hành tốt các quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa khi tham gia giao thông. Đại úy Trần Văn Thi, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Cà Mau cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Luật giao thông đường thuỷ sâu rộng trong nhân dân. Cảnh báo kịp thời các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan để giải quyết tình hình trật tự bến bãi, phương tiện đò ngang, đò dọc, phương tiện đưa rước học sinh trên địa bàn tỉnh”.

     Trong thời gian tới, tình hình trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội trên đường thuỷ nội địa sẽ có những diễn biến phức tạp. Chính vì thế, công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa phải được các ngành, các cấp tiếp tục tăng cường với chất lượng và hiệu quả cao hơn nữa nhằm đạt được mục tiêu là: Đảm bảo thông suốt, trật tự, an toàn cho phương tiện, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra; phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương./.

TH: Minh Trí

Để lại nhận xét