Tùy chọn này sẽ đưa trang chủ về bố cục mặc định.

Reset

Bình ổn giá dịp Tết Kỷ Sửu 2009

Đã đăng vào 15 Th1, 2009 lúc 0:00

     Chúng ta đang ở thềm Xuân Kỷ Sửu 2009. Ở thời điểm này, dù mỗi người một cảnh nhưng có lẽ tất cả đều có chung một suy nghĩ: mình sẽ mua sắm những gì để đón một cái Tết, đầy đủ, vui tươi, phù hợp với điều kiện xã hội, nhất là phù hợp với túi tiền! Tất nhiên điều này liên quan rất lớn đến giá cả thị trường. Tiếp xúc với những người mua sắm ở chợ bách hoá phường 7, thành phố Cà Mau, họ đều cho rằng, hàng hoá năm nay giá cao hơn mọi năm. Còn người bán thì nhận xét, mặt hàng tuy nhiều hơn, phong phú hơn nhưng bán rất chậm.     Có thể nói, 2008 là năm nền kinh tế nước ta nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng có nhiều biến động, do đầu năm xăng dầu, vàng và một số mặt hàng khác tăng vọt: (xăng từ 9.000 đồng/lít lên 19.300 đồng/lít; vàng từ vài trăm ngàn đồng/chỉ lên 1.700.000 đồng/chỉ). Từ đó giá cả các mặt hàng đồng loạt tăng theo. Xi măng Hà Tiên từ 50.000 đồng/bao lên trên 70.000 đồng/bao, sắt VICASA6 từ 9.530 đồng/kg (cuối 2007) lên 19.700 đồng/kg (8/2008). Gạo ngon từ 8.000 đồng/kg (cuối 2007) lên 19.000 đồng/kg (4/2008).

     Theo cơ chế thị trường, giá cả lên xuống là điều đương nhiên. Song điều nghịch lý ở đây là khi giá trên thị trường thế giới tăng, thì giá trong nước “vọt” lên cao ngất ngưởng! Nhưng khi giá trên thị trường thế giới giảm từ 30 đến 40%, thì giá trong nước lại giảm chậm chạp, nhỏ giọt.

     Người nông dân là đối tượng phải chịu thiệt thòi nhiều nhất. Khi đầu tư cho sản xuất họ phải chấp nhận mua phân bón, thuốc trừ sâu với giá cao, oằn lưng làm ra hạt lúa nhưng đến lúc bán thì luôn bị mất giá. Ở thời điểm tháng 8/2008, 1 kg lúa loại thường giá khoảng trên 4.000 đồng, tháng 12/2008 giảm còn 2.500-2.900 đồng/kg. Hiện nay, giá xăng đã giảm chỉ còn 11.000 đồng/lít nhưng giá các mặt hàng vẫn còn ở mức cao.

     Dự đoán của nhiều người, rất có thể giá cả tăng trở lại trong dịp Tết. Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài PT-TH Cà Mau, ông Lê Minh Khởi – Giám đốc Sở Công thương Cà Mau, nhận định: “Sức mua hàng hóa hàng hóa trong dịp Tết Kỷ Sửu sẽ tăng từ 10-20% so với Tết Nguyên đán Mậu Tý”.

     PV: Nhận định của ông về sức mua, bán của dịp Tết Kỷ Sửu 2009, ở Cà Mau?

     Ông Lê Minh Khởi: Hiện nay, tình hình thị trường hàng hoá, tiền tệ trong nước đã có nhiều dấu hiệu ổn định dần. Tuy nhiên, do nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại; giá các loại nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường còn nhiều bất ổn; tình hình thiên tai (bão lũ), dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn nhiều diễn biến phức tạp và nhất là còn nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (lãi suất cao, nguyên liệu tồn kho giá cao…) và sức mua của xã hội tăng không đáng kể (theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 30,1% so cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 6%). Tuy nhiên, theo quy luật thì sức mua của thị trường được đánh giá sẽ tăng vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009 do việc chuẩn bị nguyên, nhiên, vật liệu để mua sắm sản xuất, dự trữ hàng hoá và mua sắm phục vụ tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009; cùng với việc đẩy mạnh hoàn thành kế hoạch năm… từ đó, sẽ làm cho thị trường hàng hoá những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ sôi động, nhộn nhịp. Tuy đời sống hiện nay của nhân dân còn nhiều khó khăn, chi tiêu đã có sự điều chỉnh theo hướng tiết kiệm hơn. Chính sách kích cầu, các chính sách an sinh xã hội và công tác chăm lo cho đồng bào và người lao động nghèo trong dịp Tết cổ truyền, đang được Chính phủ, các cấp, các ngành và doanh nghiệp quan tâm. Dự báo sức mua hàng hoá trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu sẽ tăng từ 10-20% so với Tết Nguyên đán Mậu Tý năm 2008.

     PV: Đó là dự đoán trong mấy ngày tới, còn thực tế mấy ngày qua như thế nào, thưa ông?

     Ông Lê Minh Khởi: Trong mấy ngày qua sức mua có nhích dần lên, nhất là tháng 1.

     PV: Chúng ta có thể đề cập đến nguyên nhân dẫn đến tăng giá các mặt hàng tiêu dùng ở Cà Mau, thưa ông?

     Ông Lê Minh Khởi: Ngoài những tác động của các quy luật chung, những ảnh hưởng từ thị trường trong nước và thế giới, thị trường Cà Mau còn có những đặc điểm riêng như:

     – Phần lớn hàng tiêu dùng công nghệ phẩm hoặc phải nhập nguyên nhiên vật liệu hoặc nhập sản phẩm hoàn chỉnh từ thành phố Hồ Chí Minh và ngoài tỉnh, với khoảng cách vận chuyển xa hơn nên giá cả thị trường cao hơn đôi chút là tất yếu.

     – Mặt khác, giá cả tăng, sức tiêu thụ mạnh còn phụ thuộc vào khả năng thanh toán của dân cư, người tiêu dùng; nền kinh tế Cà Mau chưa phải đã giàu mạnh, dân cư Cà Mau chưa phải sung túc, nhưng thị trường Cà Mau luôn có chỉ số đắt đỏ hơn một số địa phương trong khu vực. Biểu thị tích cực khả năng thanh toán khá hơn. Theo báo cáo tổng kết hàng năm của Bộ Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp Cà Mau năm 2007 xếp hàng thứ 20 và năm 2008 đứng thứ 19 so với 63 tỉnh thành trong cả nước.

     – Đặc điểm nữa là: phải chăng tập quán, tâm lý người tiêu dùng Cà Mau có xu hướng tiêu xài phóng khoáng hơn, nên góp phần làm cho thị trường thêm sôi động, giá cả mua có phần sởi lởi hơn…

     PV: Tạm xem đó là hiển nhiên hay chúng ta vẫn có thể can thiệp được về giá cả tăng ở Cà Mau, so với một số tỉnh?

     Ông Lê Minh Khởi: Đối với tỉnh ta chỉ khi nào tự sản xuất một số mặt hàng thiết yếu, giá thành mới giảm so với một số tỉnh.

     PV: Không loại trừ nguyên nhân quan trọng đó là lạm phát đẩy giá mặt hàng thiết yếu tăng cao. Ông nghĩ sao?

     Ông Lê Minh Khởi: Tình hình lạm phát chung trên toàn quốc, tỉnh Cà Mau không tách khỏi. 

     PV: Nhiều ý kiến cho rằng xăng dầu tăng dẫn đến giá cả các mặt hàng tăng? Nhưng hiện nay xăng dầu, gas đã giảm tới trên 40% nhưng giá cả những mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm như sữa, thịt, rau củ quả,  dịch vụ ăn uống vẫn cao?

     Ông Lê Minh Khởi: Xăng, dầu – nhiên liệu là một phần chi phí tất yếu trong giá thành sản phẩm và dịch vụ. Về mặt logic: khi xăng, dầu tăng chắc chắn giá thành phải được cơ cấu lại và giá các sản phẩm, dịch vụ liên quan sẽ tăng. Ngược lại khi giá xăng, dầu giảm thì giá cả sẽ giảm.

     Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra thuần tuý theo logic như vậy. Có mấy vấn đề có thể tham khảo để lý giải hiện tượng giá xăng, dầu đã giảm mà giá cả hàng hoá vẫn chưa giảm tương ứng như sau:

     – Một là: biên độ tăng giảm giá xăng, dầu rất lớn, lại diễn ra trong một thời gian ngắn. Giá thành sản phẩm cho một chu kỳ sản xuất đã được cơ cấu lại khi giá xăng, dầu tăng cao, nguyên vật liệu và lãi suất đã được cơ cấu lại khi xăng, dầu tăng cao, nguyên vật liệu và lãi suất vốn vay đầu tư sản xuất – kinh doanh rất cao; nay sau một thời gian ngắn, giá xăng, dầu giảm mạnh, chắc chắn việc hạ giá cả hàng hoá phải có độ trễ nhất định.

     – Hai là: chi phí xăng, dầu mới chỉ là một yếu tố trong cơ cấu giá thành sản phẩm và dịch vụ, nên việc tăng, giảm giá xăng, dầu và giá cả hàng hoá, dịch vụ là không hoàn toàn đồng biến một cách tương ứng, dễ nhận biết.

     -Ba là: giá cả hàng hoá nói chung còn chịu ảnh hưởng tác động từ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, yếu tố tâm lý… đối với các mặt hàng thiết yếu nhất là thực phẩm như: sữa thịt, rau củ quả, còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố trong sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro, biến động như thiên tai, dịch bệnh.

     – Mặt khác, tăng giá là điều kiện bắt buộc khi có một trong các yếu tố giá thành tăng, việc này thường được thực hiện nhanh nhạy hơn. Nhưng ngược lại giảm giá lại là một động thái chậm chạp, do tư duy và chiến lược giá cả của các doanh nghiệp Việt Nam còn là một vấn đề chậm đổi mới. Năng lực cạnh tranh về giá sẽ được đặt thúc bách hơn, kể từ ngày 01/01/2009, thị trường bán lẻ Việt Nam hoàn toàn mở cửa cho nhà đầu tư 100%vốn nước ngoài.

     PV: Bán lúa rẻ, ăn gạo mắc, đối tượng thiệt thòi nhiều nhất là người tiêu dùng. Ngành chức năng tỉnh Cà Mau có biện pháp gì trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, thưa ông?

     Ông Lê Minh Khởi: Lo đầu ra cho sản phẩm của nông dân, là một trong rất nhiều công việc phải làm, vì sản xuất kinh doanh còn nhiều yếu tố đồng bộ khác, nhất là trước yêu cầu ổn định và phát triển bền vững.

     Trực tiếp với việc lo đầu ra cho sản phẩm của nông dân, tỉnh ta đã và đang quan tâm chỉ đạo thực hiện các biện pháp như: các ngành sản xuất tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng quy hoạch mới, trên cơ sở khai thác hợp lý các tiềm năng, lợi thế của địa phương và các liên kết kinh tế vùng. Đi liền với công tác quản lý là quy hoạch, bảo đảm đầu tư, phát triển cân đối giữa năng lực sản xuất, khai thác cung ứng nguyên liệu với năng lực chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Khẩn trương quy hoạch và mời gọi thu hút đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống bán buôn, bán lẻ, các chợ đầu mối và các chợ nông thôn, tự sản, tự tiêu…

     – Xây dựng cơ cấu sản phẩm, ngành hàng, đa dạng hoá sản phẩm, thích ứng với yêu cầu thị trường.

     – Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, thực hiện đầy đủ và năng động các chính sách kích cầu, hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng của Chính phủ, phù hợp với điều kiện địa phương.

     – Nghiên cứu kinh nghiệm và phát triển mô hình kinh tế nông trang, nông trại, tổ chức các hiệp hội ngành nghề, mở rộng liên doanh, liên kết điều kiện phát triển sản xuất – kinh doanh hàng hoá lớn.

     – Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa các nhà: quản lý, khoa học, doanh nghiệp và nông dân…

     PV: Ưu tiên hiện nay của Chính phủ là kích cầu nền kinh tế. Riêng với tỉnh ta thì sao, thưa ông?

     Ông Lê Minh Khởi: Kích cầu nền kinh tế tỉnh nhà không tách khỏi gói kích cầu chung của Chính phủ. Đối với Sở Công thương, sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo, trước mắt là kiểm tra, rà soát lại chương trình hành động của mình, ổn định về sản xuất, phát triển chợ đầu mối, hệ thống kênh ban lẻ hàng hoá trong nông thôn…

     PV: Liệu giá cả trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009, ở thị trường Cà Mau, có bình ổn theo triển khai Chỉ thị 03 của Bộ Tài chính không?

     Ông Lê Minh Khởi: Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương như: Bộ Tài chính, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đầy sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009.

     Đối với tỉnh Cà Mau, ngày 19/12/2008 UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14 về tổ chức đón Tết Nguyên đán Kỷ Sửu. Trong đó, yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo ổn định thị trường và giá cả hàng hoá.

     Trên tinh thần đó, ngay từ đầu tháng 11/2008, Sở Công thương đã chủ động chỉ đạo cho toàn ngành xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lượng hàng hoá và thành lập ban chỉ đạo phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Sửu của ngành, trong đó, các thành viên là các doanh nghiệp đầu mối của tỉnh, các phòng, ban Sở, Chi cục Quản lý thị trường và Phòng công thương các huyện, Phòng kinh tế thành phố Cà Mau nhằm tổ chức và chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉ thị của các bộ, ngành Trung ương và tỉnh, nhất là chỉ đạo cho Cục quản lý thị trường phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bình ổn giá cả thị trường tại Cà Mau trước, trong và sau Tết.

     Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt từ các cấp, các ngành Trung ương đến địa phương, nhằm đảm bảo lượng hàng hoá thiết yếu dồi dào, phong phú và tăng cường mạnh biện pháp bình ổn giá cả thị trường phục vụ nhân dân vui Xuân đón Tết trong không khí vui tươi, tiết kiệm; chúng ta tin tưởng rằng: thị trường Cà Mau có thể đảm bảo được sự ổn định về cung cầu và giá cả trong dịp Tết năm nay.

     PV: Dự trữ hàng hoá của doanh nghiệp, đầu mối vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009 có khác so với mọi năm không, thưa ông?

     Ông Lê Minh Khởi: Các doanh nghiệp đầu mối dự trữ hàng hoá dịp Tết năm nay tăng khoảng từ 15-20% so với Tết Nguyên đán Mậu Tý 2007.

     PV: Xin cám ơn ông!
TH: Lưu Ly

Để lại nhận xét