Tùy chọn này sẽ đưa trang chủ về bố cục mặc định.

Reset

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đã đăng vào 11 Th7, 2008 lúc 0:00

     Tỉnh Cà Mau có 670.000 người trong độ tuổi lao động, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn. Lực lượng lao động này phần đông có trình độ học vấn thấp. Họ gặp nhiều khó khăn về đời sống và thực sự có nhu cầu tìm việc làm.

     Để tạo cơ hội việc làm cho đội ngũ lao động này công tác đào tạo nghề cần phải được chú trọng. Các trung tâm dạy nghề trong tỉnh thường có chỉ tiêu tuyển chọn phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người học. Tùy vào trình độ, học viên sẽ được học những ngành nghề khác nhau từ sơ cấp đến trung cấp. Ngay cả những người chỉ biết đọc biết viết cũng có thể theo học một nghề phù hợp.
     Tâm lý chung của đa số học viên là hy vọng tìm được việc làm phù hợp sau khi tham gia các lớp nghề sơ cấp. Tuy nhiên, nhu cầu này chỉ có thể thực hiện khi công tác liên kết giữa trung tâm dạy nghề và doanh nghiệp sử dụng lao động được chặt chẽ. Sự phối hợp của 2 đơn vị này chính là nhịp cầu nối để người lao động qua đào tạo có việc làm ổn định. Đặc biệt là các trung tâm dạy nghề phải bám sát nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, để có kế hoạch đào tạo phù hợp.
     Thông qua các trung tâm dạy nghề người học có thể tìm được việc làm sau khi kết thúc khóa học nhờ quá trình liên kết lao động. Đa phần, các trung tâm dạy nghề thường tập trung các nghề ngắn hạn. Làm thế nào để nâng cao chất lượng trong quá trình đào tạo là mục tiêu cần phải được hướng đến.  Đây là nhận định của ông Lê Chí Vĩnh – Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm, Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau.
     Muốn nâng cao chất lượng đào tạo trong khi cơ sở vật chất thiếu thốn là việc làm không đơn giản. Các trung tâm đào tạo phần lớn gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị phục vụ dạy học. Để giải quyết tình trạng này nhiều trung tâm dạy nghề đã chủ động liên kết với các đơn vị tuyển dụng. Trung tâm dạy nghề hỗ trợ nơi giảng dạy. Các trang thiết bị phục vụ dạy học và giảng viên do đơn vị sử dụng lao động đảm trách. Từ đây, chất lượng nguồn lao động được cải thiện. Chương trình học thường sát với yêu cầu tuyển dụng nên người lao động dễ tiếp cận với công việc sau khi ra trường./. 

TH: Nguyễn Đào

Để lại nhận xét