Tùy chọn này sẽ đưa trang chủ về bố cục mặc định.

Reset

Diễn đàn WEF và vấn đề toàn cầu hóa

Đã đăng vào 22 Th1, 2019 lúc 10:24

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2019 sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày mai, 22/1, đến ngày 25/1 tại Davos, Thụy Sĩ, quy tụ hơn 3.000 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, xã hội dân sự, giới học giả, các đại diện của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông, hơn 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng đại diện các tổ chức quốc tế.

Diễn đàn WEF là một cơ hội lớn để những CEO, thống đốc, chuyên gia tài chính, những người giàu có và quyền lực hội tụ và đàm phán với nhau. Giới truyền thông cũng đổ về đây để hỏi về các vấn đề liên quan đến kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn cầu.
Diễn đàn WEF 2019 với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Trong bối cảnh sự chuyển động của thế giới kèm theo một loạt sự thay đổi cả về chính trị, kinh tế, xã hội diễn ra cùng lúc được cho là sẽ định hình lại toàn cầu hóa: Cân bằng quyền lực toàn cầu chuyển từ đơn cực sang đa cực; cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn liền với đổi mới sáng tạo mang lại các công nghệ nền tảng như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)… với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử; các thách thức sinh thái, trong đó có biến đổi khí hậu, đe dọa sự phát triển kinh tế xã hội… Điều đó cho thấy, toàn cầu hóa đã mang lại tăng trưởng và phát triển ở cấp độ quốc tế, nhưng nó cũng đã tạo ra sự bất bình đẳng ngày càng lớn. Đối với làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo, “Toàn cầu hóa 4.0” đã đặt yêu cầu cấp thiết là các nhà lãnh đạo cần rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ, xây dựng xã hội hòa nhập hơn và bảo vệ tốt hơn những cộng đồng dễ bị tổn thương. Để cải thiện đời sống cho con người trên toàn cầu, quản trị ở các cấp doanh nghiệp, chính phủ và toàn cầu phải thích nghi đầy đủ với bối cảnh kinh tế, chính trị, môi trường và xã hội mới này…

Chương trình Diễn đàn WEF 2019 bao gồm hơn 400 buổi làm việc của các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, xã hội dân sự, các cơ quan truyền thông, các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực và thế hệ trẻ, đến từ khắp nơi trên thế giới.

Trong số này, có thể kể đến một loạt đối thoại như đối thoại về địa chính trị, đối thoại toàn cầu về hòa bình và phát triển, đối thoại về tương lai của nền kinh tế, về quản lý các hệ sinh thái môi trường quan trọng, và đảm bảo an ninh mạng, đối thoại về việc làm và cải cách các thể chế…

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva hôm 15/1, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành WEF, ông Klaus Schwab cho biết, WEF 2019 sẽ tập trung xác định một chương trình nghị sự toàn cầu nhằm hoàn thiện hơn toàn cầu hóa, đồng thời hướng đến những đối tượng bị gạt ra ngoài lề, những người bị thiệt thòi, tổn thương trong quá trình toàn cầu hóa này.

Ông Schwab nhấn mạnh: “Làn sóng toàn cầu hóa thứ tư cần phải tập trung hơn vào con người, toàn diện và bền vững. Toàn cầu hóa cần quan tâm hơn đến những đối tượng dễ bị tổn thương, thiệt thòi và quan tâm đến tiếng nói của giới trẻ”.

Trong một diễn biến liên quan, năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump là ngôi sao lớn của hội nghị WEF thì năm nay đã hủy chuyến đi vào phút cuối do tập trung giải quyết vấn đề đóng cửa chính phủ trong gần một tháng qua, nhưng vẫn chúc Hội nghị diễn ra thành công. Viết trên Twitter, Tổng thống Doanld Trump cho hay: “Tôi lấy làm tiếc khi phải hủy chuyến đi quan trọng tới Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos-Thụy Sĩ. Xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến WEF và lấy làm tiếc vì điều này”.

Thủ tướng Anh Theresa May cũng hủy chuyến đi tới Davos sau khi bản kế hoạch Brexit không được Nghị viện thông qua. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì đang vất vả giải quyết tình trạng biểu tình của người áo vàng suốt nhiều tuần qua. Thậm chí Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không cho thấy dấu hiệu sẽ tham dự Hội nghị lần này khi nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đang bận vận động cho cuộc bầu cử lần 2 nên sẽ không thể tới./.

Theo www.chinhphu.vn

 

 

 

 

Để lại nhận xét