Tùy chọn này sẽ đưa trang chủ về bố cục mặc định.

Reset

Hàng loạt hãng hàng không siết an toàn bay

Đã đăng vào 28 Th3, 2015 lúc 16:55

Luôn luôn phải có hai thành viên phi hành đoàn trong buồng lái là quy định mới cho ngành hàng không mà nhiều hãng hàng không và các nhà hoạch định chính sách trên thế giới công bố áp dụng trong ngày 26/3.

Quy định này được đưa ra ngay sau khi nhà chức trách Pháp công bố kết quả phân tích hộp đen trong vụ tai nạn máy bay Airbus 320 của hãng Germanwings cho thấy phi công phụ chịu trách nhiệm điều khiển máy bay khi ở một mình trong buồng lái.

Chính phủ Canada đã yêu cầu tất cả các hãng hàng không của nước này tuân thủ quy định buộc phải luôn có hai người trong buồng lái. Bộ trưởng Giao thông vận tải Canada Lisa Raitt cho biết "chỉ thị khẩn cấp" này là "bắt buộc và có hiệu lực ngay lập tức". Hàng loạt hãng hàng không của Canada đã lập tức áp dụng quy định này, trong đó có Air Canada, Westjet và Air Transat.

Tại châu Âu, hãng hàng không easyJet của Anh là hãng máy bay giá rẻ lớn nhất trong khu vực vừa thông báo thay đổi quy định an toàn bay. Các hãng hàng không cũng đưa ra quyết định tương tự là hãng hàng không Icelandair của Iceland, Norwegian Air Shuttle – hãng máy bay giá rẻ lớn thứ ba châu Âu – của Na Uy, Ryanair của Ireland, Finnair của Phần Lan và Iberia của Tây Ban Nha.

Ngay sau vụ tai nạn máy bay tại Pháp, hãng hàng không Air New Zealand cũng đã lập tức rà soát và cập nhật các quy định mới trên chuyến bay. Theo đó, nếu một trong hai phi công điều khiển máy bay cần phải rời buồng lái trong thời gian ngắn, một thành viên khác sẽ phải vào vị trí thay thế.

Mặc dù chưa công bố các thay đổi, song Hiệp hội Hàng không BDL của Đức cũng cho biết sẽ phổ biến "quy tắc hai người" cho các thành viên. Trong khi đó, Lufthansa – công ty mẹ của hãng hàng không giá rẻ Germanwings – cho biết biện pháp mới này sẽ được thảo luận tại cuộc họp toàn ngành vào ngày 27/3.

Cùng ngày, Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế (ICAO) đã yêu cầu các nước thành viên thường xuyên kiểm tra sức khỏe của các phi công. Trong một tuyên bố, ICAO nêu rõ tất cả các phi công buộc phải trải qua các đợt kiểm tra, đánh giá sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Tổ chức trên nêu rõ, nếu có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe, các phi công cần phải được kiểm tra kỹ lưỡng hơn, đặc biệt liên quan tới tâm thần.

Các quy định về an toàn bay nói trên được ráo riết đưa ra trong bối cảnh ngành hàng không thế giới liên tiếp xảy ra các thảm họa. Vụ tai nạn máy bay mới đây tại Pháp khiến toàn bộ 150 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng đã đặt ra yêu cầu phải thắt chặt quy định an toàn bay. Qua phân tích hộp đen, nhà chức trách Pháp cho biết tai nạn là do chủ ý của lái phụ trên máy bay khi ở một mình trong buồng lái.

* Ngày 26/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định chính phủ cũng như các cơ quan hữu quan Đức sẽ hỗ trợ hết sức có thể cho quá trình điều tra nguyên nhân vụ rơi chiếc máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Đức Germanwings, làm toàn bộ 150 người thiệt mạng.

Bà Merkel cho biết Đức cũng như nhiều nước khác chưa hết sốc và bàng hoàng về vụ tai nạn thảm khốc xảy ra với chuyến bay mang số hiệu 4U 9525 tại khu vực miền Nam nước Pháp, thì lại nhận được những thông tin mới với chiều hướng vượt ngoài sức tưởng tượng. Bà dẫn các thông tin điều tra của giới chức Đức và Pháp, theo đó cơ phó người Đức đã cố tình phá hủy chiếc máy bay này. Hiện vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra để làm sáng tỏ mọi khía cạnh liên quan.

Trong khi đó, các nhà điều tra ở thành phố Düsseldorf (Đức) tối 26/3 đã tiến hành khám xét nơi ở của cơ phó Andreas Lubitz. Theo Cơ quan công tố thành phố Düsseldorf, việc điều tra, khám xét sẽ được tiến hành tại nhiều nơi nhằm thu thập các tài liệu, bằng chứng liên quan và quá trình này sẽ mất thời gian để có thể đưa ra đánh giá. Liên đoàn Phi công Đức (VC) cho rằng báo cáo sơ bộ kết quả điều tra vụ tai nạn cho thấy vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ và quá trình điều tra cần có thêm thời gian để có kết luận. Theo VC, một số câu hỏi vẫn chưa được làm sáng tỏ như nguyên nhân máy bay hạ độ cao, lý do cơ phó không có phản ứng gì hay việc cơ trưởng không thể vào trong buồng lái. Các nguồn tin an ninh mới nhất cho biết nhiều khả năng cơ trưởng đã phải dùng rìu để phá cửa thép ngăn khoang lái nhằm chặn thảm họa, song không đủ thời gian. Người phát ngôn Germanwings cũng xác nhận mỗi chiếc A320 đều được trang bị một chiếc rìu để sử dụng trong trường hợp cần thiết.

Với những thông tin mới nhất liên quan vụ tai nạn nêu trên, hàng loạt hãng hàng không tại Đức và trên thế giới đã siết chặt an toàn bay và có những điều chỉnh đối với phi hành đoàn. Hiệp hội hàng không Đức (BDL) thông báo trong khoang lái các máy bay ở Đức sẽ luôn có hai phi công. Trong trường hợp một người phải ra ngoài vì việc riêng, sẽ có một thành viên đội bay bên ngoài vào thay thế. Hãng hàng không Air Berlin của Đức đã bắt đầu áp dụng quy định này từ ngày 27/3. Trong khi các hãng như Malaysia Airlines, Air Canada, EasyJet, Ryanair và Norwegian Air Shuttle cũng thông báo áp dụng biện pháp này.

Cho tới lúc này, các nhà điều tra vẫn nghi ngờ cơ phó 28 tuổi có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong quá trình được đào tạo ở Lufthansa, Lubitz từng phải nghỉ ngắt quãng do bị "hội chứng kiệt sức nghề nghiệp" hoặc trầm uất, căn bệnh với ít nhất 500.000 người mắc phải ở Đức. Cơ phó này từng bị Trường đào tạo bay của Lufthansa ở bang Arizona (Mỹ) đưa vào danh sách "không thể bay" do bị suy nhược, lo âu và sợ hãi. Thậm chí theo báo "Hình ảnh", Lubitz hiện cũng đang phải "chăm sóc y tế đều đặn và đặc biệt". Các ghi chép hồ sơ của người này tại Cục hàng không liên bang cũng cho thấy phi công người Đức có vấn đề về nghiêm trọng về tâm lý và phải được điều trị định kỳ.

Về các nạn nhân vụ tai nạn máy bay, Bộ Ngoại giao Đức đã xác nhận số công dân nước này trên chuyến bay là 75 người, trong đó có tới 64 người thuộc bang Nordrhein-Westfalen. Trong số nạn nhân Đức có 4 người mang hai quốc tịch (3 người cũng là công dân Kazakhstan và một người Nhật)./.

Theo www.chinhphu.vn

Để lại nhận xét