Tùy chọn này sẽ đưa trang chủ về bố cục mặc định.

Reset

“Mảng đứt gãy” nào gây “sóng thần” COVID-19 tại Ấn Độ?

Đã đăng vào 27 Th4, 2021 lúc 14:34

(Chinhphu.vn) – Chủng virus này vừa có đặc tính lây lan nhanh của chủng biến thể Anh, vừa có đặc tính hạn chế vai trò vaccine của chủng biến thể Nam Phi, nên được coi là chủng “biến thể kép”.

Ảnh: Reuters

“Cơn sóng dữ” đại dịch lần này ập tới Ấn Độ khoảng từ giữa tháng 3 với sự gia tăng đột biến các ca nhiễm và phải nhập viện điều trị. Trong đó, bang Maharashtra ở miền Trung Ấn Độ ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ nhất các ca nhiễm mới, con số tử vong tăng hơn 200%. Đây chính là bang mà loại biến thể kép B1.617 lần đầu tiên được phát hiện vào khoảng tháng 10/2020.
Bác sĩ Jitendra Oswal, Phó Giám đốc bệnh viện Bharati, bang Maharashtra, cho biết: “Đột nhiên chúng tôi phải tiếp nhận sự gia tăng đột biến các ca nhiễm có triệu chứng nặng. Trong đó, có nhiều người trẻ. 25% số bệnh nhân cần điều trị tích cực tại bệnh viện chúng tôi là nhóm người từ 30-50 tuổi. Ngoài ra, số lượng trẻ em bị lây nhiễm cũng tăng đáng kể. Khoảng 60.000-70.000 trẻ em đã bị nhiễm COVID trong đợt dịch lần này chỉ riêng tại bang Maharashtra, trong đó 50% là ở độ tuổi thiếu niên”.

Theo ông Rakesh Mishra, Giám đốc Trung tâm Sinh học tế bào và phân tử có trụ sở tại Hyderabad, Ấn Độ- một trong những nhà khoa học hiện đang phân tích biến thể B1.617- biến thể này “có mức độ lan truyền cao hơn so với các biến thể khác. Dần dần nó sẽ trở nên phổ biến hơn và sẽ thay thế các biến thể khác”.

Tuy nhiên, người ta vẫn chưa biết liệu làn sóng đại dịch hiện tại của Ấn Độ có liên quan đến biến thể này hay không và còn quá sớm để có thể kết luận, biến thể kép B1.617 là nguyên nhân khiến đợt dịch tại Ấn Độ hoành hành đến như vậy. Đặc biệt, nếu biến thể có sức lây lan mạnh mẽ, vì sao nó được phát hiện từ tháng 10/2020 nhưng đến giữa tháng 3/2021 mới bùng phát?

Việc phát hiện các biến thể mang đột biến kép từ 6 tháng trước khi đợt dịch lần này bùng phát tại Ấn Độ khiến giới y tế cho rằng, ngay cả khi có mối liên hệ giữa loại đột biến này và sự gia tăng số ca nhiễm, cũng không thể phủ nhận một thực tế chính tâm lý thờ ơ của nhiều người với đại dịch phải chịu trách nhiệm cho làn sóng dịch đang hoành hành hiện nay.

Cùng với các biến thể khác được phát hiện ở Brazil, Nam Phi, Vương quốc Anh, biến thể B1.617 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là “biến thể cần quan tâm” và đang trong quá trình theo dõi. Theo dữ liệu toàn cầu GISAID, tính đến tháng 4, biến thể này cũng đã được phát hiện ở 18 quốc gia khác.

Giới chuyên gia tin rằng thảm kịch “sóng thần” COVID-19 ở Ấn Độ hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân hàng đầu vẫn là sự chủ quan, lơ là khi tổ chức hàng hoạt sự kiện tập trung đông người như các cuộc vận động bầu cử, tổ chức các trận đấu cricket, tổ chức sự kiện Kumbh Mela – một trong những cuộc tụ họp lớn nhất trên thế giới, thu hút hàng triệu người hành hương đến sông Hằng trong vài tuần.

Tiếp tục ghi nhận hơn 300.000 ca trong 24 giờ qua

Dù số ca mắc mới giảm so với một ngày trước đó, tuy nhiên, trong 24 giờ qua, Ấn Độ vẫn ghi nhận 319.435 ca mắc COVID-19, đánh dấu chuỗi ngày thứ 6 liên tiếp quốc gia 1,3 tỉ dân này ghi nhận hơn 300.000 ca.

Ngày 26/4, chính quyền bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ, đã quyết định áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn bang. Lệnh phong tỏa có hiệu lực trong vòng 14 ngày, bắt đầu từ ngày 27/4 tới .

Karnataka là khu vực mới nhất tại Ấn Độ thực hiện lệnh phong tỏa sau khi một số địa phương khác tại nước này cũng áp đặt biện pháp tương tự nhằm khống chế làn sóng dịch bệnh đang mà chao đảo toàn hệ thống y tế. Với 12 triệu dân, thành phố Bengaluru của bang Karnataka đã ghi nhận hơn 20.000 ca mắc trong ngày 25/4, mức cao nhất theo ngày từ trước tới nay tại đây và cao thứ hai trên phạm vi toàn quốc, sau thủ đô New Delhi.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 26/4 tuyên bố tình hình Ấn Độ, nơi số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gia tăng đột biến, là “vô cùng thương tâm” và WHO sẽ triển khai thêm nhân viên và hàng tiếp tế cho Ấn Độ để trợ giúp chiến đấu chống đại dịch.

Tổng Giám đốc WHO nêu rõ: “WHO đang làm mọi điều trong khả năng của mình, cung cấp thiết bị quan trọng cũng như hàng tiếp tế, trong đó có hàng nghìn máy tạo oxy, bệnh viện dã chiến di động được lắp đặt sẵn cũng như vật tư phòng thí nghiệm”. Ngoài ra, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đã cử hơn 2.600 nhân viên từ các chương trình khác của WHO tới hỗ trợ Ấn Độ chống đại dịch COVID-19.

Cùng ngày 26/4, Ấn Độ đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang hỗ trợ giải quyết tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19 mới đang ngập tràn các bệnh viện giữa lúc nhiều quốc gia, trong đó có Anh, Đức và Mỹ, cam kết cung cấp viện trợ y tế khẩn cấp cho nước này.

BT

Để lại nhận xét