Tùy chọn này sẽ đưa trang chủ về bố cục mặc định.

Reset

Việt Nam cần sẵn sàng cho xu hướng phát triển 5G

Đã đăng vào 10 Th6, 2017 lúc 15:16

Công nghệ 5G phát triển sẽ mang tới nhiều ứng dụng thiết thực, tạo nên kết nối thống nhất và định hình lại một loạt các ngành công nghiệp. Việt Nam đã có sự chuẩn bị về mặt chính sách cho xu hướng phát triển 5G, IoT (Internet vạn vật)  và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ảnh minh họa

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tại Hội thảo Quản lý tần số đối với vô tuyến băng rộng và IoT, do Cục Tần số vô tuyến điện tổ chức ngày 8/6.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Việt Nam được đánh giá là nước có mật độ phổ biến dịch vụ viễn thông cao so với các nước trên thế giới. Vừa qua, dịch vụ 4G đã được cấp phép cho 4 nhà mạng di động và bước đầu đi vào hoạt động tại Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng băng thông rộng, tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh IoT.

Trong kỷ nguyên số, hạ tầng di động băng rộng có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế. Trong đó, công nghệ thông tin và di động băng rộng là nền tảng của các ngành kinh tế mũi nhọn. Tại Việt Nam, thị trường thông tin truyền thông nói chung và thị trường di động nói riêng đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện nay, Việt Nam đã có gần 130 triệu thuê bao di động.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, vô tuyến băng rộng đang là xu hướng phát triển tất yếu của ngành công nghiệp viễn thông. Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã công bố khuyến nghị về tầm nhìn của công nghệ thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G) và dự kiến tháng 10/2017 sẽ thông qua khuyến nghị về yêu cầu kỹ thuật.

Để bắt kịp với sự phát triển của công nghệ, Việt Nam cần tránh việc đầu tư không hiệu quả, sử dụng công nghệ lạc hậu khi chuyển từ 4G lên 5G. Do đó, để chuẩn bị cho xu hướng phát triển 5G, đầu năm 2017, Việt Nam đã ban hành Thông tư cho phép sử dụng các băng tần trước đây mà nhà mạng được cấp để dùng 2G chuyển sang dùng 3G, 4G.

Bên cạnh đó, băng tần 2.100 MHz cũng được dành cho phát triển 4G. Khác với nhiều nước, Việt Nam đã có bước đi tương đối sớm khi mở băng tần 5 GHz để sử dụng Wifi. Năm 2016, cơ quan quản lý cũng cho phép sử dụng LTE 4G…

Ngoài ra, với nhu cầu IoT kết nối thiết bị thông minh trong nhà, Bộ TT&TT đã có một số chính sách mới như đưa thêm băng tần 60 GHz cho công nghệ không dây WiGig cho kết nối tốc độ cao các đồ đạc, thiết bị, đưa thêm các băng tần cho sạc không dây (Apple, Samsung), tần số cho radar ô tô…

Các chuyên gia công nghệ ước tính có khoảng 29 tỷ thiết bị được kết nối qua mạng tế bào vào năm 2020 cho thấy nhu cầu sử dụng dữ liệu, kết nối tăng mạnh. Các ứng dụng sử dụng 5G sẽ cho phép các kết nối thống nhất và định hình lại hệ thống các ngành công nghiệp, giải trí, ô tô, điều khiển, an toàn, cứu nạn, dịch vụ hàng hóa, năng lượng, hạ tầng cơ sở, dịch vụ hàng hóa và bán lẻ… tạo ra những thay đổi cơ bản của đời sống xã hội và các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất trên nền tảng sử dụng công nghệ kết nối vạn vật./.

Theo www.chinhphu.vn

Để lại nhận xét